Cách tạo Blog / Website dễ dàng vào năm 2023: Hướng dẫn chi tiết A-Z

Blog với nhiều người như là một cỗ máy kiếm tiền online thụ động. Hầu hết mọi người viết Blog để kiếm tiền và số ít viết để chia sẻ một điều gì đó có ích cho mọi người.
Thẳng thắn mà nói, mình không thích những người lãng phí thời gian chỉ để làm một thứ gì đó vô nghĩa. Vì vậy nếu bạn đang có ý định viết Blog để kiếm tiền, thật tuyệt vời bạn đang làm điều đúng đắn.
Bây giờ tất cả những gì bạn cần đều ở đây, bài viết này. Nhưng có lẽ phù hợp hơn với những người mới. Mình sẽ đi vào chi tiết từng bước để bạn có thể dễ dàng thực hành. Lưu ý rằng đây là một bài viết dài, vì vậy nếu bạn chuẩn bị đọc, hãy pha một tách cà phê hoặc một thứ gì đó để nhâm nhi nhé.
Nội dung bài viết
1. Đăng ký tên miền (Domain)
Bạn cần một địa chỉ cho trang blog của mình, đại loại như nhatphamblog.com. Hầu hết mọi người thường sử dụng tên miền có đuôi .COM. Nó phổ biến và cũng gần như có độ tin cậy cao. Mặt khác, tên miền .COM dán tiếp tác động đến SEO vì vậy nó gần như là sự lựa chọn hàng đầu. Dưới đây là một số nhà cung cấp tên miền tốt nhất mình gợi ý cho bạn:
Namecheap: Tên miền .COM chỉ 7.98$ ~ 191.000đ cho năm đầu tiên
GoDaddy: Tên miền .COM chỉ 194.000đ/ năm
Để đăng ký tên miền .COM tại Namecheap, các bạn làm như sau
Truy cập trang chủ Namecheap
Điền tên miền mà bạn muốn đăng ký sau đó nhấn Search

Bạn sẽ thấy được tên miền mà bạn chọn hiện đang có sẵn hay không. Tên miền có sẵn là tên miền chưa có ai đăng ký và bạn hoàn toàn có thể mua nó. Nhấp vào Add to cart để thêm tên miền vào giỏ hàng

Nhìn xuống dưới màn hình nhấp vào “Checkout” để tiến hành thanh toán

Đến đây thì bạn kiểm tra lại thông tin tên miền rồi nhấp Confirm Oder

Bước kế tiếp bạn sẽ được yêu cầu tạo tài khoản. Điền tên người dùng (Username) viết liền không dấu, mật khẩu, họ tên và email
Nhấp vào Create Account and Continue

Tiếp đến hãy điền thông tin thanh toán bằng cách thêm địa chỉ của bạn vào mẫu
Nhấp Continue để tiếp tục

Nữa nào, tích vào 2 ô như hình bên dưới rồi nhấn Continue

Bước cuối cùng là bước thanh toán. Bạn sẽ cần có thẻ Visa hoặc tài khoản Paypal để thanh toán trên Namecheap
Điền thông tin thẻ thanh toán nhấp vào Confirm Oder để thanh toán. Quá trình thanh toán diễn ra nhanh chóng và bạn sẽ bị trừ số tiền tương ứng quy đổi sang VND
Sau khi thanh toán xong bạn sẽ nhận được một email thông báo đơn hàng thành công. Cái này để chắc chắn là bạn đã mua tên miền thành công.
Bây giờ bạn đã mua được tên miền rồi nhấp vào Account (bên trên góc phải) chọn Dashboard. Nếu bạn được yêu cầu đăng nhập, hãy đăng nhập tài khoản khi nãy bạn đã tạo trong quá trình đăng ký tên miền.
Bạn sẽ nhìn thấy tên miền mà bạn vừa đăng ký hiển thị tại Dashboard . Vậy là ok, xong bước mua tên miền

2. Đăng ký Hosting
Hosting vô cùng quan trọng trong quá trình bạn xây dựng và phát triển Blog. Hiểu đơn giản, thì đây là một loại dịch vụ lưu trữ Internet cho phép các cá nhân và tổ chức truy cập trang web của họ thông qua World Wide Web
Trên thực tế bạn có thể hiểu nó là thứ giữ cho trang web của bạn luôn trong tình trạng trực tuyến với những ai đang truy cập. Như khi bạn đang đọc bài viết này của mình, bạn thấy tất cả mọi thứ từ Logo đến các bài viết…tất cả là do Hosting đang duy trì nó
Bây giờ bạn đã hiểu về hosting, bạn cần có một gói lưu trữ để thực hiện. Bạn chỉ cần lựa chọn một gói lưu trữ vừa đủ để Blog của bạn hoạt động ổn định.
Namecheap là một nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ hàng đầu trên thế giới, các gói lưu trữ cơ bản đáp ứng như cầu cho mọi trang web. Như ở trên mình đã hướng dẫn bạn mua tên miền tại Namecheap. Có thể bạn sẽ thắc mắc tại sao mình chọn Namecheap. Thực sự mà nói, mình đã sử dụng dịch vụ của Namecheap trong nhiều năm. Mọi thứ đều tốt và nó luôn ổn định.
Tất nhiên bạn có thể lựa chọn việc mua một tên miền và hosting ở 2 nhà cung cấp khác nhau. Tuy nhiên nó sẽ gây phiền phức cho những người mới, bạn cần chỉnh sửa một vài thứ ở tên miền từ nhà cung cấp A để trỏ đến hosting nhà cung cấp B. Vì vậy hãy để quá trình này nhất quán ngay từ đầu. Dưới đây mình sẽ hướng dẫn bạn tiếp tục mua Hosting tại Namecheap
Tại trang chủ Namecheap, nhấp vào Menu Hosting bên trên chọn Shared Hosting. Ở đây bạn có 3 gói để lựa chọn và đây là đề xuất của mình
Chọn vị trí lưu trữ là UK và chọn gói Stellar Plus đăng ký theo năm.

Sau khi nhấn Get Started bạn sẽ được chuyển hướng đến bước tiếp theo
Ở bước này bạn chọn các mục như ở hình bên dưới. Lưu ý chọn tên miền mà nãy bạn vừa mua
Sau cùng nhấn Connect to Hosting

Tiếp theo sau khi Connect thành công hãy nhấn Add to cart để thêm gói hosting vào giỏ

Các bước thanh toán sau đó bạn hãy làm như khi nãy mua tên miền. Điền thông tin thanh toán và sử dụng thẻ Visa hoặc Paypal để thanh toán
Sau khi hoàn tất quá trình mua Hosting hãy một lần nữa quay trở lại Dashboard kiểm tra. Tại đây bạn sẽ thấy ở vị trí tên miền vừa mua xuất hiện biểu tượng Hosting. Khéo đưa chuột vào biểu tượng Hosting, thông tin gói lưu trữ sẽ hiện lên và xin chúc mừng bạn đã mua Hosting thành công.
3. Cài đặt WordPress
Đây là bước quan trọng vì bạn sẽ thấy một trang web hay một Blog được tạo ra như thế nào. Chúc mừng bạn vì đã làm mọi thứ thuận lợi đến bước này
WordPress là một nền tảng mã nguồn mở được xây dựng trên hệ quản trị nội dung (CMS) giúp cho việc tạo một trang web thật dễ dàng và đơn giản. Nếu bạn đã từng sử dụng Blogspot thì mọi thứ đối với WordPress cũng dễ dàng như vậy
Đơn giản hơn thì là WordPress giúp bạn tạo một trang web mà không cần biết gì về lập trình hay kiến thức công nghệ thông tin phức tạp. Chỉ là những thao tác kéo thả gõ phím như khi bạn làm thứ gì đó trên Facebook. Ảo thật đấy :V
Bắt đầu nào…
Tại trang chủ Namecheap nhấp vào Account rồi chọn Dashboard. Nhấp vào dấu mũi tên ở cạnh tên miền mà bạn mua ở bước 1. Bạn sẽ nhìn thấy một tùy chọn hosting mà bạn đã kết nối với tên miền trong bước 2. Như hình ảnh dưới đây

Tiếp đến hãy nhấp dấu mũi tên cạnh chữ RENEW rồi chọn Go to cPanel

Trong giao diện cPanel bạn sẽ nhìn thấy rất nhiều thứ, được rồi tạm thời thì không cần thiết để hiểu tất cả. Kéo xuống dưới cùng bạn sẽ thấy mục “SOFTACULOUS APP INSTALLER“. Trong mục này nhấp vào WordPress.

Tiếp theo bạn hãy nhấp vào Install Now để cài đặt WordPress

Bước này rất quan trọng…
Choose Protocol (Chọn giao thức): Bạn có thể chọn https:// hoặc https://www. Cái này đại loại là thứ để địa chỉ Blog của bạn được bảo mật tốt hơn
Choose Domain: Chọn tên miền bạn đã mua ở bước 1
Choose the version you want to install: Chọn phiên bản WordPress mới nhất (Chọn phiên bản đầu tiên)
Site Name: Đây là tên Blog của bạn. Chỗ này có thể chỉnh sửa thoải mái sau này nên tạm thời bạn viết gì cũng được
Site Description: Bạn viết đôi chút mô tả về Blog của mình. Chỗ này có thể chỉnh sửa thoải mái sau này nên tạm thời bạn viết gì cũng được
Admin Username (Quan trọng): Đây là tên người dùng bạn đặt để đăng nhập vào trang quản trị Blog của bạn
Admin Password (Quan trọng): Đây là mật khẩu bạn đặt để đăng nhập vào trang quản trị Blog của bạn.

Choose Language: Chọn Tiếng Việt, bạn có thể chọn Tiếng Tàu nếu bạn thích
Select Plugin(s): Bỏ chọn tất cả đi nhé, tạm thời không cần thiết
Select Theme: Tạm thời chọn cái đầu tiên

Sau khi thực hiện xong tất cả các phần quan trọng ở trên hãy nhấn Install để bắt đầu cái đặt.
Chờ khoảng 1-3 phút để hệ thống nó tự cài đặt bạn nhé. Tranh thủ làm hớp nước nhỉ

Cài đặt thành công nó sẽ hiển thị như hình bên dưới
- Đây là Tên miền Blog của bạn. Bạn thử gõ địa chỉ blog của bạn lên trình duyệt để xem nó hiển thị như nào nhé
- Đây là trang quản trị Blog của bạn. Trang này để bạn chỉnh sửa giao diện, viết bài…và rất nhiều thứ linh tinh khác

4. Chỉnh sửa Blog
Bạn sẽ cần làm những gì trong bước 4 này
- Chọn một giao diện: Giao diện là những gì bạn sẽ thấy bao quát một trang web. Ví dụ như Bố cục, phông chữ, màu sắc…
- Chỉnh sửa Logo: Hầu hết các trang web đều có một Logo. Logo là thứ để nhận biết một thương hiệu. Trang web của mình cũng có Logo, đó biểu tượng chữ
- Thêm tiện ích: Hay còn gọi là Plugin, bạn sẽ cần thêm một vài tiện ích để vận hành Blog. Tiện ích đóng vai trò quan trọng vì vậy nó là cần thiết
- Chỉnh sửa menu: Menu là thanh điều hướng khách truy cập đến các vị trí trong Blog của bạn. Menu thì có menu trên và dưới
Trước tiên hãy đăng nhập vào Trang quản trị Blog
Truy cập trang quản trị Blog của bạn. Trang quản trị blog có phần đuôi mở rộng /wp-admin. Nhập tên người dùng và mật khẩu mà bạn đã tạo ở bước 3

Sau khi đăng nhập thành công bạn sẽ nhìn thấy bảng quản trị Blog của mình nhưu hình bên dưới.

Thay đổi Giao diện Blog
Theo mặc định trang Blog của bạn đã có giao diện rồi. Tuy nhiên hầu hết mọi người không ai sử dụng giao diện mặc định vì nó xơ xác và thiếu thốn.
Để mình nói đôi chút về giao diện cho bạn dễ hiểu. Bây giờ nếu bạn cần xây dựng một Blog về nấu ăn bạn sẽ cần một giao diện nấu ăn. Nó sẽ có các mô đun hay tiện tích như thành phần món hay các bước thực hiện. Hoặc đơn giản một Blog chia sẻ mã giảm giá, bạn sẽ cần một giao diện mã giảm giá.
Thật tiếc mình không làm Blog về nấu ăn hay mã giảm giá, mình đã chọn một giao diện khá thanh lịch và nhẹ.
Để thay đổi giao diện Blog, tại bảng quản trị nhấp vào Giao diện chọn Thêm mới

WordPress có một kho giao diện vô cùng phong phú để bạn lựa chọn. Tất cả giao diện tại đây đều miễn phí 100%. Sử dụng bộ lọc trên cùng để tìm giao diện trong danh mục mà bạn muốn tìm kiếm. Mình sẽ lấy ví dụ về một giao diện mà mình vô cùng thích.
Đây là giao diện Neve, mình cực thích giao diện này vì nó gọn nhẹ và rất phù hợp để viết Blog. Bây giờ để xem trước giao diện sẽ hiển thị như nào mình sẽ nhấp vào Chi tiết & Xem trước. Hoặc nếu mình muốn cài luôn mình sẽ nhấp vào Cài đặt

Cài đặt xong rồi giờ mình chỉ cần nhấp vào Kích hoạt là ngay lập tức giao diện của mình sẽ thay đổi.
Sau khi thay đổi giao diện bạn nhớ kiểm tra lại xem trang Blog của mình nhé

Nhìn chung giao diện có sẵn trên WordPress là những giao diện đơn giản. Nghĩa là nếu bạn cần tìm một giao diện cho mảng riêng biệt bạn cần tải về hoặc mua về từ đơn vị khác.
Nếu bạn đầu tư hơn cho Blog của mình có thể tham khảo nhiều giao diện khác trên chợ Themeforest.
Chỉnh sửa Logo
Trước đó mình đã nói về Logo, nó vô cùng quan trọng. Nếu trang Blog của mình không có Logo có lẽ sẽ không có ai muốn ở lại quá lâu. Vì vậy hãy bắt đầu tạo cho mình một Logo thật chuyên nghiệp nhé.
Để chỉnh sửa Logo nhấp vào Giao diện chọn Tùy biến.
Thường thì khu vực chỉnh sửa Logo sẽ nằm ở phần Header (Đầu trang) tùy thuộc vào từng giao diện.

Để tạo Logo bạn có thể sử dụng phần mềm Photoshop hoặc thông dụng hơn là Canva. Như mình thì là mình dùng Canva vì nó dễ dàng sử dụng cho bất cứ ai, bạn cũng có thể sử dụng nó mà không cần biết gì về Design.
Lưu ý rằng mỗi giao diện đều có kích thước tiêu chuẩn của Logo. Nghĩa rằng nếu bạn tải lên Logo có kích thước quá nhỏ khi hiển thị sẽ bị mờ. Hoặc quá lớn sẽ làm cho giao diện bị tràn. Một số giao diện cho phép tinh chỉnh kích thước logo, như giao diện mình đang chọn đây có thể chỉnh kích thước logo theo ý.
Sau khi tải lên Logo nhấn Đăng để áp dụng cho Blog của bạn

Thêm tiện ích (Plugin)
Plugin là một trong những yếu tố cần thiết cho một trang web WordPress. Plugin có thể thêm một chức năng hay giúp Blog của bạn hoạt động tốt hơn. Giống như giao diện, WordPress có một kho Plugin phong phú và hoàn toàn miễn phí
Để cài đặt Plugin bạn làm như sau…
Tại bảng điều khiển quản trị, nhấp vào Plugin chọn Cài mới. Để cài đặt Plugin thì bạn chỉ cần nhấp vào Cài đặt rồi sau đó kích hoạt (Giống như cài đặt giao diện)

Bạn sẽ cần Plugin gì cho một Blog mới toanh? Theo đề xuất của mình thì bạn nên cài những Plugin dưới đây
Yoast SEO: Đây là Plguin hỗ trợ SEO tốt nhất giúp Blog của bạn cải thiện vị trí trong kết quả tìm kiếm
WP Fastest Cache: Đây là Plguin cải thiện hiệu suất tập trung vào bộ nhớ đệm.
UpdraftPlus: Plugin sao lưu giữ liệu trang Blog của bạn. Sao lưu là cần thiết và dự phòng cho những trường hợp mất mát dữ liệu
AddToAny Share Buttons: Tiện ích này hiển thị nút chia sẻ mạng xã hội trên mỗi bài đăng của bạn.
Được rồi, như vậy là đủ
Trên thực tế nếu bạn cài quá nhiều Plugin có thể dẫn đến xung đột hoặc làm cho Blog của bạn chậm đi. Vì vậy mình chỉ khuyên bạn cài một số cái cần thiết. Nếu sau khi cài một tiện ích, blog của bạn không thể truy hay gặp lỗi hãy ngay lập tức xóa tiện ích vừa cài và kiểm tra lại một lần nữa.
Chỉnh sửa Menu
Hãy chắc chắn rằng trang Blog của bạn có ít nhất một Menu. Khách truy cập sẽ chỉ nhìn thấy màn hình hiện tại của một bài viết hay một trang. Vì vậy meunu đóng vai trò điều hướng đến các vị trí khác trên Blog
Đây là một ví dụ về menu

Menu của một trang web không căn cứ số lượng. Tuy nhiên, một trang web thường có Menu trên và Menu dưới. Menu trên hay còn gọi là menu chính. Menu dưới là menu phụ
Menu ở ví dụ trên là menu chính trên Blog này của mình. Đây là nơi mình hướng mọi người đến một số nội dung chính trên Blog
Cách thêm hay chỉnh sửa một menu
Tại trang chính bảng điều khiển nhấp vào Giao diện chọn Tùy biến. Hướng đến phần Menu trên thanh công cụ rồi nhấp vào Tạo Menu mới

Đặt tên cho menu ứng với vị trí trên Blog (làm vậy dễ nhớ hơn). Sau đó chọn vị trí Menu rồi nhấn Tiếp theo

Bây giờ bạn hãy thêm mục cho menu, nhấp vào ô thêm mục. Nhìn sang bên phải bạn sẽ thấy các tùy chọn. Bạn có thể thêm một liên kết tự tạo hoặc một danh mục tùy theo ý của bạn

Sau khi thêm các mục cho menu chính, nó sẽ trông như thế này trên Blog. Ở bên phần chỉnh sửa bạn có thể kéo thả hoặc xóa một mục menu vừa tạo. Nắm chuột trái vào một mục để sắp xếp hoặc thay đổi vị trí các mục.

Menu con hay menu phân cấp
Menu con hay menu phân cấp là trong một mục menu có những mục nhỏ hơn. Dưới đây là một ví dụ

Để tạo một mục phân cấp trong menu bạn chỉ cần nắm giữ mục con kéo xuống mục cha rồi đưa thụt vào một đoạn. Nhìn hình bên trên bạn sẽ hiểu cách thao tác
5. Viết nội dung cho Blog
Thêm bài viết mới
Tại trang quản trị Blog nhấp vào Bài viết > Viết bài mới

Tại trang viết bài bạn sẽ nhìn thấy khung soạn thảo và một số cài đặt bên tay phải. Bố cục một bài viết hoàn chỉnh sẽ bao gồm tiêu đề, hình ảnh, nội dung. Có hai cài đặt quan trọng khi viết bài đó là Chuyên mục và Thẻ. Chuyên mục là nơi tập hợp các bài viết có cùng chủ đề như: Kiếm tiền online hay Marketing…Còn thẻ dùng để đánh dấu một bài viết có cùng kiểu nội dung

Để xem trước bài viết sẽ hiển thị như nào trên Blog hãy nhấp vào xem thử, tùy chọn trên máy tính hoặc thiết bị di động để xem. Sau khi hoàn thành bài đăng, nhớ chọn chuyên mục và thêm thẻ. Nhấp vào Đăng để xuất bản lên Blog. Các thao tác dường như đơn giản và không mất nhiều thời gian
Đọc thêm: 5 Việc nên làm sau khi xuất bản bài đăng mới trên Blog
Thêm trang mới
Bạn sẽ cần thêm một vài trang cần thiết khi mới tạo Blog. Trang đại diện cho một nội dung độc lập và có tính quan trọng. Ví dự như Trang giới thiệu
Để thêm trang mới bạn thực như thêm bài viết. Nhấp vào Trang > Thêm Trang mới

Vì trang có tính độc lập và riêng biệt nên bạn không thể thêm hay tạo thư mục cho trang.
Thêm trang giới thiệu cho Blog
Trang giới thiệu có thể là một câu chuyện hay đơn giản là một vài hình ảnh về bạn. Hãy nói cho mọi người biết bạn là ai và bạn viết Blog này nhằm mục đích gì. Đừng máy móc, hãy viết một cách tự nhiên và truyền cảm hứng
Dưới đây là ví dụ về trang giới thiệu. Xem toàn trang ở đây

Trang giới thiệu của anh Ngọc tại blog Ngocdenroi.com là một câu chuyện kể về hành trình của anh ấy đến với công việc viết Blog toàn thời gian. Bất cứ ai đọc trang giới thiệu của anh ấy đều được truyền cảm hứng, cả mình cũng vậy. Thế nên, hãy làm cho mọi thứ chân thật nhất.
Bây giờ nếu bạn chưa có đủ ý tưởng để viết trang giới thiệu Blog. Hãy tham khảo một vài trang giới thiệu tiêu biểu dưới đây
Blog Thepresentwriter của bạn Chi Nguyễn


Blog ẩm thực imonanngon của bạn Bắp

Vậy là bạn đã có một vài gợi ý để bắt tay vào viết trang giới thiệu cho Blog của mình. Thông thường bạn sẽ máy móc theo bất cứ một mẫu nào. Đừng làm vậy, bạn đơn giản là bạn. Nói một thứ gì đó về bản thân hoặc câu chuyện sẽ có sức hút hơn và dễ dàng gây ấn tượng với đọc giả.
6. Đưa Blog hiển thị trên Google
Mọi thứ bây giờ đã hoàn hảo tuy nhiên để Blog của bạn hiển thị khi ai đó tìm kiếm từ khóa liên quan thì bạn phải thông báo cho Google biết. Bạn sẽ gọi điện cho Google và yêu cầu họ hiển thị Blog của bạn ngay lập tức.
Haha.
Tất nhiên bạn sẽ không thể gọi điện cho Google vì bạn đếch biết Hotline của họ.
Đây là cách làm đúng
Google phát triển một dịch vụ miễn phí để những người sở hữu trang web có thể gửi dữ liệu, xem thống kê và quản trị. Nó có tên là “Google Search Console“, dựa vào công cụ này bạn có thể đưa Blog của mình hiển thị trên Google.
Thế nào là đưa lên Google hay hiển thị trên Google tìm kiếm? Khi ai đó tìm kiếm từ khóa liên quan đến Blog của bạn trên trình duyệt mà sau đó blog của bạn hiển thị trong kết quả thì khi ấy là Blog của bạn đã được đưa lên Google.
Bây giờ Blog của bạn sẽ cần có một Sitemap để có thể đưa mọi thứ lên Google. Sitemap đơn giản là một trang danh sách tất cả các trang có trong trang web của bạn. Để tạo một Sitemap bạn có thể cài đặt Plugin Yoast SEO sau đó vào mục Tính Năng trong phần Tổng quan.

Kéo xuống dưới tìm đến phần Sơ đồ trang XML. Nhấp vào dấu hỏi chấm sau đó nhấp vào Xem XML Sitemap

Sao chép đường link Sitemap. Chỗ này quan trọng đấy nhé

Tiếp đến bạn truy cập Google Search Console
Đây là bảng quản trị Google Search Console. Bạn có thể thấy nó giống với trang quản trị wordpress.

Bước đầu bạn cần thêm trang web của mình. Nhấp vào Tìm kiếm sản phẩm (Góc trên cùng tay trái) sau đó chọn Thêm trang web. Điền trang web của bạn vào bên Tiền tố URL rồi nhấn Tiếp tục

Tiếp đến bạn hãy chọn phương thức xác minh bằng Thẻ HTML, sao chép đoạn code hiển thị. Lưu ý không nhấn Xác minh mà chỉ sao chép nhé

Giờ hãy quay trở lại phần Tổng quan ứng dụng Yoast SEO. Nhấp vào mục Webmaster Tools. Dán đoạn code vừa sao chép vào ô Code xác nhận từ Google rồi nhấn Lưu thay đổi.

Quay trở lại Google Search Console, nhấn Xác minh ở phần thẻ HTML nha.

Xác minh thành công sẽ hiển thị như hình bên dưới. Nhấp vào Chuyển đến sản phẩm

Bây giờ bạn sẽ cần thêm Sitemap vừa sao chép lúc này vào trang quản trị Search Console. Nhấp vào Sơ đồ trang web rồi dán phần đuôi mở rộng vào ô Nhập URL sơ đồ trang web. Nhấn Gửi

Sau khi thêm sơ đồ trang web thành công nó sẽ hiển thị màu xanh như hình bên dưới. Tuy nhiên làm đến đây Blog của bạn vẫn chưa hiển thị lên trên Google ngay đâu nha. Sẽ cần thời gian để Bot của google quét trang web của bạn và index tất cả URL lên Google

Để đẩy nhanh quá trình này bạn có thể gửi các URL thủ công bằng cách sử dụng công cụ Kiểm tra URL
Tại ô trên cùng “Kiểm tra mọi URL“. Hãy dán URL mà bạn cần lập chỉ mục rồi nhấn Enter.
Nếu như URL của bạn hiện chữ màu xanh Đã nằm trên Google có nghĩa là URL này đã xuất hiện trên kết quả tìm kiếm của Google. Nếu URL của bạn chưa nằm trên Google hãy nhấp vào Yêu cầu lập chỉ mục để quá trình này diễn ra nhanh hơn. Bot của Google sẽ ưu tiên lập chỉ mục URL của bạn ngay sau đó

Làm thế nào để kiểm tra chính xác Blog của bạn xuất hiện trên Google?
Trên thanh công cụ tìm kiếm của Google. Hãy nhập site:”trang web của bạn”. Xem hình ảnh bên dưới

Vậy là bạn có thể thấy những URL đã xuất hiện trên kết quả tìm kiếm. Dựa vào đây bạn có thể phát hiện ra những URL chưa được index và có thể sử dụng công cụ kiểm tra URL để yêu cầu Google lập chỉ mục.
7. Đẩy lưu lượng truy cập cho Blog
Lưu lượng truy cập hay còn được gọi với cái tên ngắn gọi là traffic. Một Blog cần có lưu lượng truy cập để tạo ra thu thập. Bạn nghĩ sao nếu bài hướng dẫn này của mình không có ai xem? Đầu tiên là nó sẽ làm mình thất vọng, rõ ràng mình đang làm thứ vô nghĩa không có giá trị. Thứ hai nó không mang lại tiền.
Trên thực tế kiếm tiền là cách thực hiện gián tiếp. Mình sẽ không bao giờ viết bài này chỉ với mục đích kiếm tiền. Vì vậy có Traffic bạn sẽ kiếm được tiền và nó quan trọng.
Làm thế nào để tăng traffic cho Blog mới?
Một trang Blog mới rất khó để có được traffic tự nhiên. Không có nhiều người biết đến Blog của bạn và bạn cần phải làm gì đó để có lượt truy cập. Có hai cách mình muốn nói ở đây là SEO và Tool traffic
SEO là từ viết tắt của Search Engine Optimization, nghĩa là tối ưu hóa công cụ tìm kiếm. Hiểu gần hơn thì là Tối ưu hóa trang Blog để đạt được thứ hạng cao nhất khi ai đó tìm kiếm từ khóa liên quan đến Blog của bạn. SEO là một mảng riêng biệt và đòi hỏi kỹ năng. Tuy nhiên bạn không tạo Blog để trở thành một chuyên gia SEO. SEO là cần thiết nhưng không nhất thiết giỏi về nó. Ở bên trên mình có hướng dẫn bạn cài đặt tiện ích Yoast SEO, với công cụ này thì nó đã giúp bạn 60% trong quá trình SEO rồi. Việc còn lại của bạn là nghiên cứu thêm về SEO và sử dụng Yoast SEO một cách tốt nhất
Tool Traffic thì sao? Cái này là gì?
Tool Traffic là nói đến một công cụ nào đó giúp tăng traffic. Trước đây khi mới tạo website mình có dùng đến một số Tool bot để tạo ra traffic, nó hoạt động hiệu quả nhưng chỉ trong thời gian ngắn. Bạn biết đấy, thuật toán của google thay đổi từng ngày. Và nó ngày một phức tạp và tinh vi hơn vì vậy những con bot không thể qua mặt họ. Mình nói ra điều này chỉ để nhắc nhở bạn không nên sử dụng Bot để tăng traffic.
Bây giờ hãy nói đến một công cụ mà mình yêu thích để tăng traffic, đó là Hitleap. Hitleap đơn giản là một phần mềm trao đổi traffic giữa nhiều máy tính với nhau. Một công cụ đơn giản đến mức bạn chỉ cần cài đặt và cho nó chạy. Thật dễ dàng…
Truy cập vào Hitleap.com. Bạn sẽ cần đăng ký tài khoản, nhấp vào Sign UP để đăng ký. Có thể bạn sẽ phải xác minh email, sau khi tạo tài khoản thành công hãy đăng nhập vào trang chủ
Tại đây bạn nhấp vào Earn Traffic rồi tải xuống phần mềm. Thao tác cài đặt vô cùng đơn giản, bạn chỉ cần nhấp vào file phần mềm rồi nhấn next và next.

Sau khi cài đặt xong hãy mở phần mềm lên và đăng nhập. Nó sẽ chạy tự động và chỉ ngừng khi nào bạn tắt. Phần mềm Hitleap sẽ truy cập từng trang web trong hệ thống của họ và ở đó trong một thời gian (tính bằng giây). Sau khi xem xong một trang web bạn sẽ được cộng điểm tín dụng. Và mỗi khi máy tính của ai đó chạy phần mềm Hitleap xem trang Blog của bạn, bạn sẽ bị trừ điểm vừa kiếm được. Nghe có vẻ phức tạp nhưng quá trình này là tự động bạn không cần nhúng tay vào
Quay trở lại Hitleap, bạn cần thêm URL mà bạn muốn có Traffic. Tại trang chủ nhấp vào My website > Add new website, đến đây bạn hãy dán URL mà bạn muốn tăng Traffic vào ô Website address (URL). Ở phần Daily Hits Limit bạn kéo max 5000 hits cho mình, các phần bên dưới bạn để nguyên và nhấn Submit.

Một tài khoản bình thường có thể thêm tối đa 3 URL vì vậy bạn hãy tận dụng nó. Ngoài ra công cụ này không chỉ dừng lại ở đó, nó còn nhiều tính năng hay hơn. Sau khi đọc xong bài hướng dẫn này hãy nghiên cứu thêm về nó nhé
Ngoài 2 cách trên bạn có thể tận dụng các kênh Traffic từ mạng xã hội. Pinteret hay Facebook là một đề xuất không tệ. Tuy nhiên không dễ gì để có traffic từ các kênh này, bạn cần học hỏi thêm.
8. Kiếm tiền với Blog
Sau khi đã chỉnh chu tất cả, đây là lúc bạn cần bứt phá
Có không ít cách để kiếm tiền từ Blog, tuy nhiên mỗi cách lại mang lại cho bạn nguồn thu nhập khác nhau. Cũng tùy thuộc vào nhiều yếu tố.
Kiếm tiền từ tiếp thị liên kết (Affiliate Marketing)
Có vô số kể các trang web trên Internet đang kiếm tiền bằng hình thức này. Tuy nhiên bạn không thể biết chính xác họ đã kiếm tiền như thế nào. Không có một bài viết nào nói về những trang web này. Tuy nhiên mình sẽ ví dụ cho bạn một vài trang web đang kiếm tiền từ hình thức này.
Blog chia sẻ mã giảm giá Hosting và Tên miền Canhme.com. Đây là một Blog được xây dựng bởi anh Luân Trần, một blog kiếm tiền tiếp thị liên kết. Giải thích một chút về Tiếp thị liên kết thì đây là hình thức kiếm tiền khi một ai đó nhấp vào link tiếp thị và mua hàng. Hầu hết các đường link mã giảm giá hay ưu đãi trên blog đều là link tiếp thị liên kết

Bạn có thể chọn đây làm hình thức chính vì thông thường số tiền kiếm được từ tiếp thị liên kết là vô cùng lớn. Hãy chọn một chương trình tốt và tham gia. Tiếp thị liên kết không có hạn chế nhưng cũng không dễ để bạn có thể kiếm tiền.
Một ví dụ khác…
Blog tiền ảo là một blog thuộc một trong những ngách có lượng người quan tâm gia tăng nhanh. Bạn đã nghe nói ai đó làm giàu từ Bitcoin chưa? Có rồi đấy. Nếu nhìn vào Blog này, bạn sẽ nghĩ rằng đây là một bog tin tức về những đồng coin không có gì khác hơn. Tuy nhiên đăng sau nó là một lợi nhuận lớn từ tiếp thị liên kết. Có lẽ bạn sẽ nhầm lẫn.

Không phải tất cả nội dung trên blog đều với mục đích kiếm tiền. Vâng, chỉ số ít bài viết kiếm tiền. Nhưng nó có thể bù đắp cho tất cả. Hãy cùng mình xem xét bài viết này. Bài viết hướng dẫn này chứa link tiếp thị liên kết của sàn Reminitano. Khi ai đó nhấp vào đường link tiếp thị chuyển hướng đến sàn Remitano, họ thực hiện giao dịch và chủ nhân blog sẽ nhận được hoa hồng

Kiếm tiền từ mạng quảng cáo
Mạng quảng cáo là một đơn vị trung gian giữa nhà quảng cáo và nhà xuất bản. Vì vậy nếu bạn lựa chọn kiếm tiền với hình thức này bạn đóng vai trò là nhà Xuất bản. Để kiếm tiền với hình thức này Blog của bạn cần được phê duyệt bởi đơn vị quảng cáo hoặc nền tảng trung gian
Google Adsense là mạng quảng cáo hàng đầu của Google. Nghe đến google là bạn thấy uy tín rồi phải không? Tuy nhiên để kiếm tiền với Google Adsense là không hề dễ. Bạn sẽ kiếm được tiền ngay khi đăng ký Adsense, bản thân là hình thức kiếm tiền dựa trên hiển thị quảng cáo nên Blog của bạn càng có nhiều Traffic bạn càng kiếm được nhiều tiền

Tuy nhiên với Google Adsense thì toàn bộ số tiền bạn kiếm được từ quảng cáo sẽ không hoàn toàn về túi bạn. Google sẽ có một khoản ăn chia với bạn, ví dụ với mỗi 1$ mà nhà quảng cáo chi ra bạn sẽ kiếm được từ 0.51$ đến 0.68$. Đọc tại đây

Mặc dù Google Adsense không phải nền tảng tốt nhất để kiếm tiền bằng cách hiển thị quảng cáo. Tuy nhiên nó lâu bền và uy tín.
Ngoài Google Adsense ra bạn có thể tham gia các mạng quảng cáo khác như: MGID, Adnow,…
Trên thực tế không có quá nhiều cách kiếm tiền ngoại trừ việc đăng ký một chương trình tiếp thị liên kết hoặc tham gia mạng quảng cáo. Tuy nhiên bạn vẫn có thể kiếm tiền theo cách sáng tạo hơn. Nhiều người viết Blog để thu hút khách hàng của họ cho một sản phẩm hay dịch vụ.
Đại loại như nếu tôi sở hữu một cửa hàng bán hoa, tôi sẽ viết một Blog về hoa và gián tiếp bán hoa. Hay tôi là một giảng viên tiếng anh, tôi sẽ tạo một Blog chia sẻ mọi thứ về Tiếng Anh và dán tiếp bán khóa học…
Có một vài cách kiếm tiền khác nhưng dường như nó không khả thi hoặc ít hiệu quả. Tuy nhiên bạn có thể tham khảo. Một số Blog kiếm tiền bằng cách nhận tiền để viết bài viết khách hay đặt banner quảng cáo.
Cách phát triển nhanh chóng một Blog
Viết thường xuyên
Viết blog là một công việc nhàm chán và mất nhiều thời gian nhất. Một bài viết ngắn có thể chỉ mất một giờ hoặc mất vài ngày cho bài viết dài. Nếu bạn yêu công việc và sống với nó, bạn sẽ tạo nên một tài sản. Không ích gì nếu như bạn không viết.
Đọc giả luôn có sự lựa chọn. Một blog không thường xuyên sản xuất nội dung sẽ rất dễ đánh mất khán giả. Mặc dù bạn sẽ cần thời gian để sáng tạo nội dung. Vì vậy, thường xuyên xuất bản nội dung có một sự nhất quán trong công việc. Hãy bắt đầu đặt ra những tiêu chuẩn cho việc xuất bản một bài đăng. Ví dụ như một tuần /1 bài. Nói đúng thì 1 tuần/ 1 bài là quá ít. Bạn sẽ không thể phát triển Blog nếu như làm việc với sự yếu ớt này.
Đối với một Blog mới, hãy duy trì 2 ngày /1 bài hoặc nhiều hơn. Bạn cần đẩy nhanh tiến độ từ đầu. Sau khi Blog có lượng nội dung lớn hãy duy trì ở mức ổn định hơn.
Sáng tạo nội dung
Rất dễ để tìm thấy những nội dung trùng lặp trên Internet. Những nội dung trùng lặp là những nội dung có cùng mô tuýp và không mang lại nhiều giá trị. Mình không khuyến khích viết nội dung trùng lặp nhưng nếu bạn cần viết những bài như vậy để thúc đẩy traffic thì có lẽ cần một ít.
Trong nhiều năm gần đây, một số Blogger nổi tiếng thay đổi cách tiếp cận và cải thiện Blog bằng cách sử dụng Podcast. Thay vì tập viết bạn sẽ tập nói. Haha. Nghe có vẻ hài hước nhưng đó là cách tốt để độc giả tương tác nhiều hơn với Blog.
Lời kết
Bây giờ hãy đặt lại câu hỏi. Bạn có cần một Blog không? Để kiếm tiền và tạo ra nguồn thu nhập thụ động. Mặc dù blog không hoàn toàn là thụ động vì bạn liên tục phải viết nhưng hầu hết mọi người đều coi nó là một nguồn thu nhập thụ động.
Vâng, không có gì là dễ dàng và viết Blog cũng vậy. Bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn, mất nhiều tháng hơn để chấp nhận bắt đầu từ con số 0. Nhưng chưa bao giờ là quá muộn, có quá nhiều người nói câu này và mình muốn nhắc lại một lần nữa ở đây. Chúc bạn thành công!
Đừng quên để lại bình luận cuối bài viết để mình giải đáp những thắc mắc nhé